Ngày 17/12 vừa qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã
tổ chức tọa đàm học thuật trao đổi về lĩnh vực “Y học dân tộc học – Dẫn nhập
vào Nhân học y tế” do diễn giả Maria Vivod (nghiên cứu viên của CNRS UMR, Pháp)
trình bày. Đến tham dự tọa đàm có sự hiện diện của TS. Trần Anh Tiến (Phó phòng
Quản lý khoa học và dự án), TS. Phạm Thanh Duy (Phó khoa Nhân học) cùng các giảng
viên, nghiên cứu sinh, sinh viên và các học giả.Nội dung tọa đàm xoay quanh hai
chủ đề với nguồn tư liệu minh họa được trích dẫn từ những đề tài nghiên cứu thực
địa của tác giả: (1) Y học dân tộc và Nhân học y tế; (2) Sự khác biệt giữa dân
tộc học và nhân học ở Đông và Tây Âu.

Học
giả trao đổi trong buổi tọa đàm

Giảng
viên và sinh viên tham dự buổi tọa đàm
Trong chủ đề 1, diễn giả
đã mang đến cho người tham dự một bức tranh khái quát về y học dân tộc và nhân
học y tế thông qua những ví dụ minh họa. Theo diễn giả, y học dân tộc và nhân học
y tế đều hướng đến việc nghiên cứu các chủ đề sự thích nghi văn hóa-sinh học,
kiến thức và thực hành và niềm tin về hệ thống y tế của các tộc người. Tuy
nhiên, nhân học y tế còn tập trung nghiên cứu quan niệm về bệnh tật, hệ thống
chăm sóc sức khỏe. Về phương pháp tiếp cận, cả hai ngành đều sử dụng các phương
pháp phỏng vấn sâu, quan sát và quan sát tham dự. Tuy nhiên, trong khi hướng tiếp
cận của y học dân tộc chỉ dừng lại ở việc thu thập, mô tả và phân tích; còn hướng
tiếp cận của nhân học y tế là sự so sánh giữa các hệ thống khác nhau. Ngoài ra,
theo diễn giả, mặc dù nhân học y tế chỉ mới được hình thành khoảng vài thập kỷ
nhưng đây là một ngành mang tính ứng dụng cao. Những nghiên cứu trong nhân học
y tế không dừng lại ở việc tìm hiểu mà còn khái quát, đề xuất các giải pháp phù
hợp cho cộng đồng thụ hưởng.
Nếu chủ đề 1 là sự khái
quát về những điểm giống nhau và khác nhau giữa y học dân tộc học và nhân học y
tế thì chủ đề 2, diễn giả đã đề cập đến bối cảnh ra đời, quá trình phát triển
và sự chuyển biến của ngành dân tộc học và nhân học ở Đông và Tây Âu. Diễn giả
nhấn mạnh rằng, các nhà Nhân học ở Đông Âu cũng như các nước đang phát triển
khác, bao gồm Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của tư tưởng và lý thuyết của phương
Tây. Tuy nhiên, theo diễn giả nhìn nhận, một số lý thuyết phương Tây không phù
hợp với bối cảnh xã hội, do đó các nhà nghiên cứu sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc
miêu tả, khái quát và lý giải hiện tượng. Do đó, để phản ánh đúng xã hội của những
nước ngoài châu Âu, các học giả và nhà nghiên cứu ở xã hội phương Đông nên xây
dựng những tư tưởng và khung lý thuyết riêng, phù hợp với bối cảnh của phương
Đông.
Buổi tọa đàm lần này
không chỉ mang đến cơ hội giao lưu và hợp tác giữa nhà trường với các học giả
nước ngoài mà còn tạo một diễn đàn học thuật trao đổi và chia sẻ nhiều kiến thức
và kinh nghiệm trong một lĩnh vực nghiên cứu về y tế.
Ngọc
Phúc – Khoa Nhân học