Tháng 10 chào đón chúng tôi bằng một chuyến thực tế 2 ngày đến
vùng đất Cần Giờ (chuyện ngoài lề là tôi cứ hay nghĩ về rau cần mỗi khi tôi nhớ
đến cái tên này). Vốn nổi tiếng với rừng sác, với đảo khỉ, với bãi biển miên
man,… chúng tôi trước khi đến nơi cũng trông đợi lắm, đợi bao nhiêu là viễn
cảnh xinh đẹp mở ra trước mắt, đợi nhân cơ hội sẽ biến chuyến thực tế ngắn ngày
trở thành chuyến du lịch “mini” cho cả lớp tận hưởng.
Và Cần Giờ quả không làm chúng tôi thất vọng. Vừa qua phà Bình
Khánh, cái không khí ngột ngạt oi nồng của những tháng ẩm ương ở thành phố đã
không còn bám theo gót chân tôi nữa, vì trước mắt tôi là một thế giới khác. Đó
là khung cảnh yên bình lạ lùng của những hàng quán thật bình thường, trên đường
là lưa thưa vài bước chân điềm tĩnh khi không có quá nhiều người để phải chen
lấn, màu xanh của trời và của cây cỏ như trôi vào vào tận đáy mắt, ngập tràn
lồng ngực tôi là cái không khí mát lành của cơn mưa vừa tan. Tất cả như quyện
vào nhau hòa thành một luồng sinh khí mới, khiến tôi lúc nào cũng như nhẹ lâng
trong mấy ngày thực tế, và tận vài ngày sau khi về thành phố, cái dư âm ấy vẫn
chưa tan.

Ảnh: Khanh Lê
Người
dân Cần Giờ chủ yếu sống bằng nghề cào nghêu, nuôi hàu, làm muối, đánh bắt cá,…
Toàn là những công việc bấp bênh, “lúc được lúc không”, có năm được giá, có năm
đói; tháng nắng thì ra ruộng, tháng mưa thì nằm nhà,… Nhưng cái công việc này
như đã gắng liền với cuộc sống của họ, là kế mưu sinh và cũng là một người bạn
tinh thần không thể thiếu. Với họ, như vậy là sung sướng rồi, có cho chuyển
nghề cũng không muốn chuyển.

Ảnh: Hoàng Vỹ
Nuôi hàu
có lẽ là nghề có tiền nhất đối với người dân ở Cần Giờ. Mỗi con hàu được gỡ ra,
vỏ của chúng lại được tiếp tục treo thành xâu, thả xuống nước để tạo thành con
hàu mới. Tôi nhìn chúng mà trong đầu hình dung ra những xâu vỏ hàu này biến
thành những xâu tiền rủng rỉnh, rồi lại thành những xâu vỏ hàu mới, rồi lại
thành xâu tiền...

Ảnh: Khanh Lê
Tôi được
chị trưởng ấp giới thiệu cô Thử để phỏng vấn. Cô vui vẻ vừa ngồi gỡ hàu vừa trò
chuyện cùng tôi. Cô chỉ cho tôi biết hàu cỡ nào thì được loại 1, cỡ nào thì
được loại 2; hàu còn tươi thì như thế nào, hàu đã qua ngày thì như thế nào...
Cô cẩn thận dặn tôi “đừng có quay cô lên đài truyền hình nha!”, người ta thấy
lại tưởng cô giàu có, họ nhìn vào họ nói, kỳ lắm. Tôi chỉ cười đau khổ, cô ơi
yên tâm, con chỉ là sinh viên đi nghiên cứu, biết đưa cô lên đài nào bây giờ?

Ảnh: Khanh Lê
Biển ở
đây cũng thật gần gũi, thật bình dị. Biển không xanh mơ màng kiêu kỳ như bao
bãi biển du lịch khác, mà có màu trầm trầm của bùn, mặc dù nước vẫn trong. Có
lẽ chỉ cần trời xanh là đủ. Biển không chỉ đứng riêng mình biển, mà thuyền cũng
xếp ngay ngắn bên cạnh, chỉ chờ được thả dây trói ra là thuyền lao ào vào lòng
người tình biển như đã đợi từ lâu rất lâu.
Ảnh: Khanh Lê
Buổi chiều ngày thực tế thứ hai, khi đã hoàn thành đầy đủ mẫu
phỏng vấn, chúng tôi không thể chờ thêm nữa mà đàn đúm nhao nhao ra biển để ăn
hải sản. Quả không uổng công đi ăn hải sản ngay biển, những món hải sản vô cùng
tươi, đa dạng và giá cả cũng “dễ ăn” đối với mấy đứa sinh viên chúng tôi. Chỉ
cần cân mua, chọn cách chế biến và chờ vài phút, chủ sạp sẽ trình cho bạn thành
phẩm là món hải sản tươi ngon đặc biệt được chế biến ngay tại chỗ, còn về mùi
vị thì bạn hãy đến và thử đi, sẽ nhớ mãi đấy!
Chuyến thực tế dù ngắn ngủi nhưng đã vượt ra ngoài sự kỳ vọng
của chúng tôi. Đó không chỉ là một chuyến vui chơi “mini”, không chỉ là hai
ngày tận hưởng cảnh đẹp, không khí trong lành và ăn hải sản thỏa thuê. Đó còn
là một bước nhỏ mà những nhà nhân học “dự bị” như chúng tôi bước thêm để tới
gần cộng đồng, để nhìn vào đằng sau sự vui chơi, đằng sau cảnh đẹp và vẻ hào
nhoáng thường thấy của Cần Giờ, là những con người, với cuộc sống mộc mạc bình
dị, dù sướng dù khổ vẫn gắn liền với nước, với biển, để chúng tôi nhìn ra một
Cần Giờ thật đặc trưng mà cũng rất đặc biệt.
Hoàng Vỹ NH13