Hội thảo do Đại học Toronto (Canada) và Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đồng tổ chức, được Quỹ Ford tại
Việt Nam và Quỹ Wenner-Gren tài trợ. Hơn 150 nhà khoa học trong đó có 70 học giả
Việt Nam và 80 học giả quốc tế từ 16 nước như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Đức,
Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hungary, Israel, Thái Lan, Đài Loan, Singapore,
v.v. đã tham dự. 81 tham luận của các đại biểu được chia thành 9 tiểu ban đề cập
đến các chủ đề phong phú như môi trường, sinh thái; kinh tế - sản xuất, trao đổi
và tiêu thụ; cơ cấu xã hội và an sinh xã hội; sức khỏe, v.v. Bên cạnh những chủ
đề tương đối truyền thống của dân tộc học như một số vấn đề về dân tộc, pháp luật
và nhà nước hay nghi lễ và tôn giáo, nhiều tham luận của Hội thảo đã sử dụng những
cách tiếp cận nhân học trong những chủ đề phong phú khác như di sản, văn bản,
phương tiện truyền thông và sự kiến tạo văn hóa; tự sự và ký ức; xuyên quốc gia
và toàn cầu hóa. Đây là lần đầu tiên một số lượng tương đối lớn các nhà nhân học
quốc tế có dịp được trực tiếp trao đổi với các nhà dân tộc học và nhân học Việt
Nam, cùng trình bày và thảo luận những kết quả nghiên cứu mới nhất về Việt Nam,
nhằm hướng tới những đóng góp quan trọng của nghiên cứu nhân học về Việt Nam và
của Việt Nam vào nền nhân học thế giới. Thành công lớn nhất của Hội thảo là
không chỉ tạo một diễn đàn gặp gỡ và trao đổi khoa học mà còn thông qua đó tạo
ra những động lực quan trọng cho ngành dân tộc học Việt Nam có thể mở rộng và
phát triển theo hướng nhân học.
Một trong những nét mới của Hội thảo này là việc mỗi tiểu ban đều có từ
1 đến 2 học giả tổng thuật và bình luận các tham luận. Những người tổng luận
này đều là các học giả có uy tín ở Việt Nam và quốc tế, nghiên cứu trong những
lĩnh vực cận kề với nhân học/dân tộc học như xã hội học, địa lý nhân văn,
nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hóa, v.v. hoặc những chuyên gia về xã hội và
văn hóa của các khu vực khác trên thế giới như châu Phi, Đông Âu, và gần với Việt
Nam như Đông Á và Đông Nam Á. Một nhà nhân học nổi tiếng thế giới về các lĩnh vực
sinh thái và lịch sử, HIV/AIDS, nhân học y học và châu Phi, đã đóng góp ý kiến
cho các tham luận của các học giả trong nước và quốc tế đề cập đến các vấn đề
sinh thái, môi trường, sức khỏe và HIV/AIDS ở Việt Nam. Một chuyên gia hàng đầu
về các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước đây, đã đóng góp nhiều bình luận
xác đáng và hữu ích cho các tham luận về quá trình chuyển đổi kinh tế xã hội ở
Việt Nam sau Đổi Mới. Tương tự, các chuyên gia về các lĩnh vực khác như tôn
giáo, tính dân tộc, truyền thông đại chúng, ký ức xã hội, v.v. và khu vực gần với
Việt Nam Đông Á và Đông Nam Á đã mang lại cho Hội thảo những góc nhìn so sánh
và những quan điểm đa dạng. Về phía Việt Nam, các nhà địa lý nhân văn và các
chuyên gia xã hội học đã đưa ra những bình luận đóng góp cho các nhà nhân học từ
lĩnh vực chuyên sâu của mình. Những người tổng luận khác đã mang lại cho Hội thảo
những bình luận từ bề dày nghiên cứu trong các lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, văn
hóa dân gian, v.v.
Một điểm nổi bật khác của Hội thảo là sự đa dạng của các phương pháp
nghiên cứu nhân học. Nhiều tham luận được dựa trên những phương pháp và các nguồn
tư liệu khác nhau, từ tư liệu lịch sử đến phim ảnh và truyền thông, nghệ thuật,
âm nhạc; từ tư liệu văn học dân gian hoặc chữ viết của các dân tộc cho tới hiện
vật và trưng bày dân tộc học, từ tư liệu phỏng vấn định tính cho đến sự kết hợp
với các dữ liệu điều tra định lượng. Tuy nhiên, tất cả các tham luận đều dựa
trên nền tảng vững chắc của dân tộc học là nghiên cứu thực địa với phương pháp
quan sát tham dự và tương tác lâu dài tại cộng đồng địa phương, cũng là phương
pháp đặc trưng nhất của ngành nhân học.
Thành công quan trọng nhất của Hội thảo là cho thấy sự mở rộng về chất về
đối tượng và chủ đề nghiên cứu của dân tộc học theo hướng nhân học. Nhiều tham
luận đã đề cập đến những vấn đề trong xã hội đô thị như lao động giúp việc
trong các gia đình, đời sống của công nhân nữ, hay các vấn đề mang tính toàn cầu
như người Việt Nam lao động ở nước ngoài, hôn nhân và gia đình xuyên quốc gia,
chứng vô sinh, HIV/AIDS, chất độc da cam, bạo hành giới và xâm hại tình dục
v.v. Ngay cả trong những mảng chủ đề tương đối quen thuộc với dân tộc học Việt
Nam như quan hệ giữa các dân tộc, các tham luận cũng đưa ra những tiếp cận lý
thuyết và phương pháp mới từ những góc độ phản biện xã hội như chính sách tài
nguyên của nhà nước trong bối cảnh đa dân tộc, chính sách và thực tiễn giáo dục
ở vùng đa ngôn ngữ, v.v. Tương tự, trong chủ đề về đời sống tôn giáo tín ngưỡng,
các tham luận đã sử dụng những tiếp cận mới như tìm hiểu lên đồng từ góc độ chuẩn
đoán và chữa bệnh hay đặt vấn đề tôn giáo tín ngưỡng dưới góc độ an toàn tinh
thần của xã hội Việt Nam đương đại. Hội thảo đã làm nổi bật được sự phong phú
đa dạng của nhân học như một ngành khoa học xã hội nghiên cứu hầu hết tất cả
các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa.
Hội thảo quốc tế “Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những
cách tiếp cận nhân học” là một diễn đàn đối thoại và trao đổi khoa học trọng thị
và hữu ích giữa các nhà dân tộc học và nhân học Việt Nam với các đồng nghiệp quốc
tế. Nói lên cảm nghĩ về quá trình gần 20 năm nghiên cứu về Việt Nam và trao đổi
học thuật với các nhà khoa học Việt Nam, GS. Oscar Salemink (Đại học Amsterdam,
Hà Lan) đã coi “nhiều nhà dân tộc học Việt Nam như những người thầy của mình”.
GS. Lương Văn Hy (Đại học Toronto, Canada), người đồng tổ chức Hội thảo, cho biết
đây là một dịp hiếm có để “những con tàu nhân học trên thế giới trước đây chưa
nhìn thấy nhau mặc dù ở rất gần nhau có thể gặp nhau”. GS.TS. Ngô Văn Lệ đã khẳng
định: “Hội thảo đã góp phần khẳng định và tạo đà cho nhân học Việt Nam phát triển”.
Phát biểu đánh giá thành công của Hội thảo, PGS.TS. Võ Văn Sen (Hiệu trưởng Trường
ĐH KHXH và NV Tp. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “cuộc Hội thảo này đã góp phần nâng
cao vị thế của nhân học như một ngành khoa học xã hội với những đóng góp quan
trọng cho Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa”.
Nguồn: Ban tổ chức Hội thảo