Đại diện các đơn vị tham dự hội thảo có Ông Lê Văn Trúc - Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Phú Yên; GS.TS. Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển
Phương Đông; PGS.TS. Vương Xuân Tình - Viện trưởng Viện Dân tộc học (thuộc Viện
HLKHXH Việt Nam; ThS. Patcharin Phrarat - Phó Trưởng ban Đối ngoại, ĐH
Silpakorn, Thailand; Dr. Santhipharp Khamsa-Ard; GS.TS. Ricamela S. Palis,
Corazon Dulce D. Bayaton, Maria Carazon C. Sanin, Joan Christi Trocio, Chito M.
Sawit - Philippines; Chen Ying - China; Dr. Takamasa Osawa - ĐH Edinburgh; Amy
Dao - ĐH Columbia, New York; GS. Erik Harms - Yale; TS. Honda Mamoru - ĐH Toyo
- Nhật Bản, các trường ĐH đến từ Hà Nội, Vũng Tàu, Viện KHXH Vùng Nam Bộ, Ban
dân tộc TP.HCM, ĐH Tây Nguyên, Viện Nghiến cứu Phát triển -TP.HCM, Học viện
Chính trị Hồ Chí Minh, ĐH Thủ Dầu Một, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm
Khoa học Tư duy, ĐH Nội vụ Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Sư Phạm Hà Nội, ĐH
Công nghiệp Hà Nội, ĐH Đà Lạt, ĐH Duy Tân, Tạp chí Goodmorning Việt Nam, Viện
HLKHXH Việt Nam, TT Văn hoá TP. Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật Việt
Nam. Hội thảo vinh dự đón tiếp GS.TS. Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ
GD&ĐT.

Ông
Lê Văn Trúc - Phó Bí thư Tỉnh Uỷ Phú Yên phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: Việt
Thành
Ông Lê Văn Trúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phát biểu chào mừng hội
thảo. Ảnh: Việt Thành
Phía trường ĐHKHXH-NV-ĐHQG-HCM, có PGS.TS. Võ Văn Sen - Hiệu trưởng; TS.
Ngô Thị Phương Lan - Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Ngọc Thơ - Trưởng phòng
QLKH-DA; GS.TS.NGND. Ngô Văn Lệ, PGS.TS. Nguyễn Văn Tiệp; TS. Huỳnh Ngọc Thu -
Trưởng khoa Nhân học, TS. Phạm Thanh Duy, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân, TS. Đặng
Thị Kim Oanh - Phó Trưởng Khoa, TS. Trương Văn Món, TS. Trần Thị Thanh Tâm -
Khoa Nhân học; TS. Ngô Thanh Loan - Trưởng BM Du lịch; TS. Huỳnh Đức Thiện -
Phó Trưởng Khoa Việt Nam học; TS.Lê Thị Ngọc Điệp - Phó Trưởng Khoa Văn hoá học;
PGS.TS. Nguyễn Công Lý, TS. La Mai Thi Gia, TS. Đinh Lư Giang - Khoa Văn học
& Ngôn ngữ; cùng đông đảo giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học các
khoa Nhân học, Đô thị học, Văn hoá học, Lịch sử, Địa lý, BM Du lịch, Trung tâm
Nghiên cứu Biển & Đảo cùng các giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu
sinh, học viên cao học cùng tham dự.
Ông Lê Văn Trúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã phát biểu chào mừng
các đại biểu về tham dự hội thảo tại tỉnh Phú Yên. Ông cũng đã giới thiệu tiềm
năng, triển vọng phát triển của tỉnh qua các dự án phát triển, nhất là các dự
án phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội thảo, ThS. Patcharin Phrarat, đại diện trường ĐH Silpakorn,
Thailand, đã có lời phát biểu chào mừng hội thảo và sự hợp tác đối với các trường
đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam. Hy vọng, sự trao đổi học tập lẫn nhau giữa
hai quốc gia chính là sự bổ sung kinh nghiệm cho hai quốc gia vượt qua thử
thách và khó khăn.

PGS.
TS. Võ Văn Sen phát biểu đề dẫn. Ảnh: Việt Thành
Thay mặt cho Trường Đại
học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, PGS.TS. Võ Văn Sen, phát biểu đề dẫn hội thảo,
chào đón quý đại biểu đến tham dự hội thảo quốc tế “Việt Nam và Đông Nam Á: Hội
nhập và phát triển”. PGS.TS. Võ Văn Sen, nhấn mạnh, người Việt Nam từng nói
“buôn có bạn, bán có phường”, sự thành công của một quốc gia – dân tộc không chỉ
là dân giàu - nước mạnh, mà còn là môi trường quốc tế hòa bình, thịnh vượng,
trong đó sự tương tác giữa các quốc gia mang tính tương trợ, bổ sung cho nhau để
cùng nhau phát triển. Là một quốc gia Đông Nam Á, một bộ phận hữu cơ của văn
minh trồng trọt Đông Nam Á, Việt Nam chia sẻ những nền tảng Đông Nam Á chung về
nhân sinh quan, vũ trụ quan, về lối sống và cách suy nghĩ. Ông gọi sự hình
thành và phát triển của ASEAN là sự đoàn kết trở lại của các anh em Đông Nam Á,
và rằng mỗi thành viên phải hết sức có trách nhiệm trong việc vun đắp cho ngôi
nhà chung ấy trường tồn, hạnh phúc.

ThS. Patcharin Phrarat - Phó Trưởng ban Đối ngoại, ĐH Silpakorn,
Thailand tặng quà cho BTC.
Tại hội thảo, các tham luận của hội thảo tập trung vào những vấn đề về
văn hoá của Việt Nam chia sẻ với các dân tộc Đông Nam Á từ những phạm trù siêu
hình học của âm và dương, của trời và đất, của những sợi dây kết nối vô hình giữa
các cá thể để hình thành tinh thần cộng đồng-làng xóm, quốc gia-dân tộc. Theo
các tác giả, một biểu tượng rồng Việt Nam hiền hòa nhịp nhàng uốn lượn tựa như
những dòng sông miệt mài chở nặng phù sa nuôi sống nền văn minh canh nông Đông
Nam Á, đã, đang và sẽ mãi là một người bạn đồng hành cùng linh vật rắn naga
trong văn hóa Thái Lan, Lào, Campuchia, Miến Điện và các nước Đông Nam Á khác. Ở
Đông Nam Á, sông cũng như người mẹ và trên tất cả các dòng sông đó, Mekông là
người mẹ hiền hòa trong tâm thức một số dân tộc ASEAN.
Đi từ Việt Nam sang Thái Lan hay vòng xuống Indonesia, Philippines, hẳn
chúng ta không thể phủ nhận tính đồng dạng hay tính tương cận của nhiều thực
hành văn hóa – xã hội của cả khu vực như tục thờ cúng tổ tiên – anh hùng dân tộc,
dấu ấn của truyền thống mẫu hệ thể hiện sống động qua tín ngưỡng thờ nữ thần, tục
ăn trầu cau, lối sống sông nước với sinh hoạt chợ nổi và lối di chuyển bằng
thuyền, nghề nông nghiệp lúa nước và toàn bộ hệ thống tri thức bản địa Đông Nam
Á được chia sẻ, giao lưu và tái cấu trúc, tái định dạng dưới dạng thức bản sắc
các dân tộc Đông Nam Á. Chẳng hạn trong ngôn ngữ, đôi mắt – cửa sổ của tâm hồn
– được người Việt Nam gọi là mắt, người Lào và Thái Lan gọi là ta thì các dân tộc
Indonesia, Malaysia kết hợp cả hai, gọi là ma-ta. Và dường như vì những nét
chung duyên nợ này mà Stephen Oppenheimer năm 1999 đã khẳng nhận bóng dáng của
một nền văn minh Đông Nam Á trên nền lục địa Sunda bị chìm đắm giữa lòng Đông
Nam Á từ hàng ngàn năm trước.
Hễ đất lành thì chim đậu, ngay từ đầu Công nguyên, nhiều dòng tư tưởng
khác nhau và đằng sau chúng là các hệ giá trị văn hóa – xã hội đặc thù khác
nhau đã tìm đến Đông Nam Á. Dân tộc Việt Nam đã kiên cường bất khuất trước nguy
cơ bị đồng hóa suốt hơn ngàn năm Bắc thuộc để hiện diện rạng rỡ trong màu áo Đại
Việt, biết làm thức tỉnh nguồn cội văn hóa nông nghiệp Đông Nam Á và tận dụng
triết học của người phương Bắc để kiến lập con đường bản sắc Việt Nam qua các
thời đại Lý, Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn và tự tin tiến vào con đường công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước như hôm nay.
Tương tự như vậy, các quốc gia Đông Nam Á khác cũng tự tìm lấy cho mình
con đường tích hợp tri thức bản địa của khu vực và tinh hoa văn hóa Ấn Độ, khu
vực và phương Tây để kiến lập bản sắc văn hóa dân tộc. Một Đông Nam Á suốt từ
thời trung cổ cho đến nay hiện diện tính đa dạng sắc màu song tinh thần vẫn là
nhất thể. Bước vào nửa cuối của thế kỷ XIX, các dân tộc Đông Nam Á lần lựa chứng
kiến sự đổ bộ ồ ạt của văn minh phương Tây, những tưởng sự hào nhoáng bề ngoài
của nền văn minh ngoại lai này đã có thể phá vỡ cấu trúc xã hội các quốc gia bản
địa, song cũng chính người mẹ Đông Nam Á chung này đã đủ bền bỉ, bất khuất và
dũng mãnh để đẩy lùi thực dân-đế quốc. Từ trong nhiều thử thách gian khổ ấy, Việt
Nam và Đông Nam Á đã học được một kinh nghiệm sống còn, đó là “câu chuyện bó
đũa” với tinh thần đoàn kết để tạo sức mạnh tập thể. Chính ở điểm này, chúng
tôi gọi sự ra đời và phát triển của ASEAN là sự đoàn tụ trở của anh em Đông Nam
Á, được kết tinh bằng hình ảnh 10 bó lúa kết đoàn với ba màu sắc chủ đạo đỏ,
vàng, xanh tượng trưng cho hạnh phúc, thịnh vượng, tương lai và sức mạnh đoàn kết
của các dân tộc thành viên.
Hơn 20 năm trước, khi chứng kiến sự biến đổi khó bề có thể dự đoán được
của thế giới trước sự phát triển như vũ bão của khoa học – công nghệ, nhà
nghiên cứu Sameul Hungtington đã từng dự báo về sự va chạm giữa các nền văn
minh nếu như các dân tộc tiếp tục thể hiện cách suy nghĩ, cách nhận định và ứng
xử với thế giới theo cách riêng của mình. Bất kỳ sự tự mãn, thờ ơ và thiếu tinh
thần hợp tác nào cũng đều là mầm mống của sự chia rẽ, lạc hậu và trì trệ của
văn minh dân tộc trước các quá trình khu vực hóa đang lên mạnh mẽ như hiện nay.
Hội thảo đã nhận hơn 100 bài viết gửi đến từ 10 quốc gia, những phát biểu
và ý kiến thảo luận của các vị lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà quản lý, các nhà
giáo sẽ giúp làm sáng tỏ hơn vai trò, ý nghĩa và tương lai của hội nhập và phát
triển, làm ngắn hơn khoảng cách vốn có giữa đào tạo và thực tiễn, thu hẹp và
xóa nhòa những khoảng cách hữu hình và vô hình giữa Việt Nam và Đông Nam Á để
khẳng định tầm quan trọng của giáo dục và hợp tác nghiên cứu – giảng dạy quốc tế
trong tiến trình hội nhập ASEAN.
Hội thảo tập trung vào
một số chủ đề nhằm có sự thảo luận sâu hơn tại các tiểu ban:
- Lý luận và các lý thuyết nghiên cứu về Khu vực, hội nhập khu vực
và quan hệ quốc tế;
- Những thành tựu và thách thức của KHXH&NV nói chung, của
nghiên cứu dân tộc học, nhân học, văn hóa học và khu vực học Việt Nam và các
nước trong nghiên cứu tộc người và văn hóa tộc người ở Đông Nam Á;
- Những thuận lợi, thách thức trong việc xây dựng ASEAN thành công
trên ba trụ cột cộng đồng Kinh tế, Chính trị - an ninh và văn hóa xã hội;
- Toàn cầu hóa và những tác động đến giá trị văn hóa truyền thống
của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á;
- Vai trò của văn hóa và giáo dục đối với sự phát triển bền vững
trong ASEAN;
- Quan hệ quốc tế và triển vọng hợp tác giữa các nước trong khu
vực v.v..

Các
đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: Việt Thành
Hội thảo còn nhận được những ý kiến của Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Thailand; Nguyên Đại sứ Trịnh Ngọc Thái góp phần hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN
trong hiện tại và tương lai. ASEAN thể hiện bằng con số 10 được hiểu là sự toàn
vẹn, sự chỉnh chu và hoàn bị. Trên con đường đạt đến con số 10 toàn vẹn ấy,
công sức đóng góp của toàn thể hội nghị chúng ta hôm nay là hết sức có ý nghĩa.
Hội thảo diễn ra trong 02 ngày 05-06/12/2015 với Phiên khai mạc, Phiên
chung, phiên Tổng kết và 6 Phiên tiểu ban.
Phòng QLKH-DA